Tại Hội nghị ETHDenver 2023, sàn DEX có khối lượng giao dịch lớn nhất Ethereum ở thời điểm hiện tại là Uniswap đã mang đến một bất ngờ lớn cho người tham gia sự kiện khi công bố ra mắt ứng dụng ví tiền mã hóa riêng.
Cụ thể, Uniswap đã công bố ra mắt ứng dụng di động ví tiền điện tử mã nguồn mở, tự quản lý. Vì ứng dụng chưa được Apple phê duyệt nên hiện tại chỉ có 10,000 người dùng có thể truy cập ứng dụng thông qua TestFlight.
Hiện tại, ví Uniswap chỉ được phát triển cho iOS, còn phiên bản Android thì chưa có thông tin.
Ví hỗ trợ mạng chính Ethereum, Polygon, Arbitrum và Optimism, đồng thời bao gồm các tính năng swap token. Thông qua WalletConnect, người dùng có thể kết nối ví Uniswap với bất kỳ ứng dụng nào trên 4 mạng. Người dùng cũng có thể chọn mở khóa ví bằng Face ID và lưu trữ seed phrase trong iCloud.
Chức năng chính của Uniswap Wallet
Uniswap Wallet là một ví non-custodial (cho phép người dùng tự quản lý private key), kết nối trực tiếp đến nền tảng của Uniswap. Uniswap Wallet có các chức năng cơ bản của một ví tiền điện tử như:
- Gửi và nhận token
- Theo dõi các ví được đánh dấu, cũng như token ERC20 và NFT theo vốn hóa, giá và nhiều thông số khác
- Sao lưu seed phrase bằng tay hoặc qua iCloud
- Swap token: Người dùng có thể swap token trên các mạng được hỗ trợ Ethereum, Polygon, Arbitrum và Optimism. Phiên bản thử nghiệm hiện tại của ví không hỗ trợ giao dịch NFT.
- Trình duyệt Web3
Not Your Keys, Not Your Coins và sự trỗi dậy của Super App
Tỷ phú Elon Musk từng tiết lộ kế hoạch xây dựng super app khi mua lại Twitter. Việc hợp nhất Twitter, nền tảng thanh toán trực tuyến Paypal và các ứng dụng khác sẽ tạo ra một ứng dụng mới giúp người dùng hoạt động trên đó mà không cần phải qua bên thứ 3 nào khác.
Với crypto super app, người dùng có thể liên kết với các ứng dụng web3 để thực hiện giao dịch và thanh toán, tương tác với người khác, theo dõi và quản lý danh mục đầu tư, hay thậm chí có thể swap token ngay trên ví.
Tháng 10-2020, ví MetaMask triển khai tính năng swap token ngay trên chính ứng dụng của mình. Metamask thu phí dịch vụ 0,875% được tự động tính vào mỗi lệnh swap, toàn bộ khoảng phí này sẽ về tay công ty mẹ của Metamask là ConsenSys. Mặc dù phí dịch vụ là khá thấp, tuy nhiên với lượng người dùng lớn trên nền tảng của mình, khoảng phí thu được là rất lớn. Điều này có thể thấy được qua thống kê về doanh thu của Metamask trong 5 tháng trở lại đây đều ở mức trên $4M, với trung bình khoảng 100 nghìn active user sử dụng tính năng swap. Thậm chí trong giai đoạn uptrend 11-2021, doanh thu của Metamask luôn ở mức trên trên $20M, cao nhất lên đến $47M.
Sau vụ sụp đổ của FTX, các nhà đầu tư truyền tai nhau câu nói “not your keys, not your coins”, thể hiện rằng việc nắm giữ private key ví của mình là điều hết sức quan trọng. Sau đó vào tháng 12-2022, Binance vướng phải cáo buộc bằng chứng dự trữ tài sản không minh bạch và không công khai đúng con số tài sản và nợ. Dẫn đến gần 3 tỷ USD được rút chỉ ra trong 24 giờ vì lo ngại kịch bản ngừng rút tiền, sau đó báo cáo nộp đơn phá sản đã xảy ra như cách mà các công ty FTX, Celsius và BlockFi đã làm trước đó.
Người dùng ngày càng nhận thức được việc giữ private key để kiểm soát tiền trong ví, tránh việc gửi tiền vào bên thứ 3 có khả năng mất toàn bộ tài sản khi khủng hoảng xảy ra, nhất là trong thời kỳ downtrend.
Thời điểm này, các token ví DeFi non-custodial như SafePal (SFP) và Coin98 (C98) cũng tăng mạnh, đồng thời là token DYDX của sàn giao dịch phi tập trung dYdX, GMX của sàn phái sinh phi tập trung GMX, PERP của Perpetual Protocol,…
=> Từ những số liệu trên cho thấy người dùng ngày càng nhận thức được việc quản lý ví tiền điện tử của mình, và việc xây dựng một super app tích hợp nhiều ứng dụng là điều cần thiết trong web3.
Bên cạnh đó, mobile experience (trải nghiệm trên di dộng) là đặc điểm cốt lõi của mọi sản phẩm. Việc phát triển ứng dụng di dộng phù hợp với xu hướng của người dùng, thay vì phải bật máy tính và thao tác phức tạp hơn, người dùng có thể thao tác trực tiếp trên điện thoại giúp rút ngắn thời gian rất nhiều. Tất nhiên, các ứng dụng ví được ưa chuộng đều có ứng dụng trên điện thoại, nước đi này của Uniswap không quá khó hiểu.
Uniswap thu được gì từ Uniswap Wallet?
Uniswap vẫn chưa cho biết sẽ thu bao nhiêu % phí swap trên Uniswap wallet hay bất kỳ khoảng phí nào khác. Tuy nhiên, Uniswap có thể kiếm được nguồn phí bằng cách:
- Swap fees: người dùng trả phí cho các giao dịch swap trên Uniswap wallet, hiện tại Metamask đang thu 0.875%. Tuy đây là một con số nhỏ, nhưng với lượng người dùng lớn, số phí thu được là rất cao. Với số lượng người dùng lớn và network effect tốt trên Ethereum, Uniswap hoàn toàn có thể chiếm lĩnh thị phần
- Hardware wallets: Uniswap cũng có thể tung ra các sản phẩm ví lạnh để chiếm lĩnh thị phần từ mảng này. Trước đây, SafePal cũng đã tung ra ví lạnh SafePal S1 Hardware Wallet với nhiều công nghệ bảo mật nâng cao như chip EAL5 +, cơ chế ký air-gapped và cơ chế tự hủy (self-destruct) để bảo vệ private key của người dùng khỏi các cuộc tấn công. Góp phần đáng kể vào doanh thu dự án.
- Phí từ dịch vụ fiat on-ramp: Hiện tại việc mua crypto đã khá phổ biến trên các sàn giao dịch, tuy nhiên chưa có ví điện tử nào tích hợp dịch vụ này. Nếu Uniswap có thể hợp tác với tổ chức nào cung cấp dịch vụ fiat-to-crypto on-ramp thì sẽ thu được nguồn phí thông qua dịch vụ này.
- Khai thác phí giao dịch thông qua MEV: Khi người dùng phát sinh giao dịch với dApps, ví sẽ gửi thông tin transaction về blockchain để các validator xác nhận giao dịch. Việc khai thác mempool chứa các giao dịch đang chờ validator xác nhận có thể đem lại nguồn thu lớn nhờ MEV. Theo MEV Outlook 2023 của Eigenphi – chuyên về MEV data, thì Uniswap dẫn đầu về giá trị của 2 dạng MEV là arbitrage và sandwich attack. Khai thác tốt MEV có thể đem lại cho Uniswap nguồn doanh thu khổng lồ.
Liệu Uniswap sẽ thành công với Uniswap Wallet?
Điều tạo nên thành công của các dự án wallet chính là người dùng. Metamask đang đi đầu trong lĩnh vực này với hơn 30 triệu người dùng hoạt động, theo sau Trust Wallet với 25 triệu người dùng, SafePal cũng khá ấn tượng với 6 triệu người dùng đến từ 196 quốc gia. Năm 2022 cũng có một số tin đồn liên quan đến việc Metamask sẽ ra mắt token và tổ chức tự trị phi tập trung DAO nhằm mục đích quản trị dự án.
MetaMask là ví điện tử được phát triển lâu đời và sử dụng phổ biến nên hầu hết các dự án, nền tảng mới đều cho phép tích hợp với ví điện tử này, nhất là những dự án, nền tảng được phát triển trong hệ sinh thái Ethereum. Đây là một ưu điểm của Metamask so với các đối thủ cạnh tranh như Trust Wallet, SafePal.
Để so sánh, Uniswap hiện đang có hơn 27 triệu người dùng trên Ethereum, hơn 2 triệu người dùng trên Polygon cùng với volume giao dịch hằng ngày trung bình trên $1B. Lượng người dùng sẵn có lớn cùng với sức ảnh hưởng của sàn giao dịch top đầu trên Ethereum có thể là bước chạy đà tốt cho Uniswap wallet.
Tuy nhiên, cần xét thêm một yếu tố nữa là thói quen của người dùng. Như đã nói ở trên, Metamask đã được tích hợp với nhiều ứng dụng DeFi và gaming, đem đến sự tiện lợi cho người dùng. Các chức năng của Uniswap wallet hiện tại chưa có điểm nổi bật so với đối thủ cạnh tranh, chưa tích hợp với nhiều dApp trên thị trường. Điều này gây cản trở lớn cho việc tiếp cận người dùng của Uniswap, cần thời gian để phổ biến ví tới nhiều người dùng hơn. Bên cạnh đó, người dùng cần phải thấy được sự cần thiết khi sử dụng Uniswap wallet. Nếu những gì Uniswap wallet cung cấp mà Metamask hay các ví khác cũng có thể cung cấp được thì liệu người dùng có thay đổi hay không?
Hơn nữa, vấn đề bảo mật ví được người dùng rất quan tâm. Đầu năm 2022, MetaMask từng bị phát hiện lỗ hổng nghiêm trọng làm rò rỉ IP của người dùng. Bằng cách gửi NFT cho người dùng ví MetaMask, hacker có thể lấy được địa chỉ IP của người dùng. Các tác nhân độc hại có thể lấy thông tin như vị trí địa lý và các địa điểm thường xuyên truy cập. Người dùng cũng có nguy cơ bị đánh cắp tài sản tiền mã hoá.
Tháng 11/2022, ConsenSys (công ty mẹ của Metamask) gây tranh cãi khi áp dụng thu thập IP và ví người dùng.
Nhiều dự án ví đã bắt đầu chú ý đến tầm quan trọng của bảo mật và phát triển công cụ phát hiện dấu hiệu đáng ngờ. Tuy nhiên, tính đến nay, chưa có sản phẩm nào thực sự hoàn thiện. Năm 2022 cũng là năm của rất nhiều vụ hack, vấn đề bảo mật và quyền riêng tư đang được chú trọng hơn bao giờ hết. Liệu Uniswap wallet đã đáp ứng được tiêu chí bảo mật hay chưa? Điều này cần thời gian để người dùng trải nghiệm và đưa ra nhận xét.
=> Kết luận: Uniswap Wallet cho thấy định hướng của Uniswap trong việc xây dựng super app và tìm kiếm thị phần từ phí swap. Tuy nhiên việc một sàn DEX đã thành công trên Ethereum xây dựng sản phẩm ví di dộng không đồng nghĩa với việc thành công trong mảng Ví. Việc tích hợp với nhiều ứng dụng web3, nền tảng DeFi, gaming là điều Uniswap nên tiếp cận đầu tiên. Tiếp theo đó là chứng minh độ bảo mật và quyền riêng tư người dùng. Kèm theo các chương trình incentive hay giảm phí swap một các hợp lý cũng là một phương pháp thu hút người dùng.
Metamask vẫn đang chiếm thị phần lớn trong mảng Ví, và Uniswap wallet không phải là nền tảng DeFi duy nhất ra mắt ví, sắp tới có thể còn nhiều bên tham gia cuộc chiến này. Học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước để có chiến lược phù hợp hơn nhằm thu hút người dùng, kẻ đến sau chưa chắc đã thua thiệt. Điều này đã được chứng minh từ câu chuyện của Blur đang từng bước chiếm lĩnh thị phần của OpenSea trong mảng NFT Marketplace