/ BLOG

Tìm hiểu xu hướng DePIN – Bước phát triển tiếp theo của IoT

DePIN là gì? DePIN là viết tắt của cụm từ Decentralized Physical Infrastructure, có thể hiểu là Mạng lưới cơ sở hạ tầng vật lý phi tập trung, đã từng

arrow white

Back

Dec 21, 2023

Written by

Logo

Thuynguyen

facebook instagram instagram

DePIN là gì?

DePIN là viết tắt của cụm từ Decentralized Physical Infrastructure, có thể hiểu là Mạng lưới cơ sở hạ tầng vật lý phi tập trung, đã từng được biết đến với các tên gọi khác như Token Incentivized Physical Infrastructure Networks (TIPIN), Proof of Physical Work (PoPW) hay là EdgeFi. DePIN có thể xem là một lĩnh vực quan trọng trong Real World Assets (RWA) khi sử dụng token để khởi động quá trình triển khai cơ sở hạ tầng vật lý, sau đó tạo hiệu ứng liên kết mạng lưới giúp mở khóa không gian của các DApp dựa trên phần cứng thực tế.

DePIN được cho là sự phát triển tiếp theo của lĩnh vực Internet of Things (IoT) cho hệ sinh thái Web3 hoặc IoT phi tập trung nơi người dùng, người cung cấp phần cứng và doanh nghiệp có thể tận dụng cũng như chia sẻ hiệu năng của các thiết bị phần cứng. DePIN cho phép các cá nhân trên toàn cầu cùng nhau xây dựng, duy trì và vận hành các mạng cơ sở hạ tầng vật lý do mọi người sở hữu mà không cần thông qua một thực thể tập trung nào.

DePIN sẽ bao gồm một số mảnh ghép chính dưới đây:

  • Mạng lưu trữ đám mây (Sever Network): Có thể hiểu là các nền tảng cơ sở hạ tầng với mục đích chính là lưu trữ. Trong Web2 chúng ta có Google Clound, Amazon Web Service,… và trong Web3 chúng ta có Storj, Filecoin, Arweave,…
  • Mạng không dây (Wireless Network): Có thể kể đến như công nghệ 5G hay LoRaWAN. Trong Web3 thì dự án nổi bật nhất chính là Helium.
  • Mạng năng lượng (Energy Network): Là những nguồn năng lượng phi tập trung từ đó tạo ra năng lượng cho mạng lưới cơ sở hạ tầng phi tập trung ở trên.
  • Mạng cảm biến (Sensor Network): Là việc các thiết bị được kết nối với nhau được sử dụng các cảm biến để thu thập thông tin từ thế giới thực.

DePIN giải quyết vấn đề gì?

Hiện nay, việc sử dụng các dịch vụ lưu trữ đám mây như Google Cloud, Dropbox.com, iCloud, Mega, OneDrive, và các dịch vụ khác đã trở thành xu hướng phổ biến. Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh là do dữ liệu được lưu trữ ở một số ít trung tâm, nên khi xảy ra các sự cố như tấn công mạng hay thiên tai (ví dụ: động đất, sóng thần,…), dữ liệu của người dùng có thể bị đe dọa.

Đáp ứng với thách thức này, sự xuất hiện của DePIN, giống như DeFi, chủ yếu tập trung vào khía cạnh phân quyền (Decentralized). Người dùng cần đến các cơ sở hạ tầng như Máy chủ, Kết nối không dây, hoặc Cảm biến phân tán để đảm bảo dữ liệu của họ được an toàn, bảo mật và phi tập trung.

Tiềm năng phát triển

DePIN mang trong mình tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, nhất là khi xem xét các số liệu ấn tượng tính đến năm 2022: trên thế giới có 8 tỷ người, trong đó 6.3 tỷ người sử dụng thiết bị di động, 5.6 tỷ người kết nối Internet và 5.3 tỷ người tham gia vào các mạng xã hội. Đáng chú ý, có tới 40 tỷ thiết bị thông minh và hàng ngàn tỷ thiết bị cảm biến đang hoạt động khắp nơi trên toàn cầu.

Trong bối cảnh hiện tại, khi mạng lưới cơ sở hạ tầng tập trung đang đối mặt với nhiều thách thức, ngày càng có nhiều cá nhân, doanh nghiệp và tập đoàn chuyển hướng sử dụng dịch vụ phi tập trung nhằm phân tán rủi ro. Xu hướng này dẫn đến việc kết hợp sử dụng dịch vụ từ cả Web2 và Web3. Điểm nổi bật của dịch vụ từ Web3 là chi phí thấp hơn đáng kể so với các dịch vụ từ Web2, mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển của DePIN trong tương lai.

Thách thức của DePIN

Một trong những vấn đề lớn là mô hình khuyến khích dựa trên token chưa thể phản ánh đúng mức độ đóng góp của các thành viên. Điều này đòi hỏi các dự án DePIN trong tương lai cần thiết kế mô hình khuyến khích hấp dẫn hơn để thu hút nhiều người tham gia vào việc xây dựng mạng lưới.

Bên cạnh đó, quá trình xây dựng và triển khai cơ sở hạ tầng mất nhiều thời gian, gây khó khăn cho các dự án DePIN trong việc tạo ra lợi nhuận ở giai đoạn đầu. Điều này có thể dẫn đến việc giảm sự hứng thú và động lực đóng góp lâu dài từ các bên tham gia.

Cuối cùng, sự cạnh tranh từ các công ty lớn trong lĩnh vực Web2 như Google, Apple, Amazon,… cũng là một thách thức lớn. Để vượt qua điều này, các công ty Web3 cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút người dùng truyền thống để sử dụng sản phẩm của họ.

Các dự án DePIN nổi bật

Filecoin

Filecoin là mạng lưu trữ dữ liệu phi tập trung do Protocol Labs xây dựng cho phép người dùng có thể trao đổi (thuê hoặc cho thuê) dung lượng lưu trữ trên một nền tảng mở.  Nó hoạt động như lớp khuyến khích và bảo mật cho IPFS, một mạng ngang hàng để lưu trữ và chia sẻ các tệp dữ liệu. Filecoin biến hệ thống lưu trữ của IPFS thành một “thị trường thuật toán”, nơi người dùng trả tiền cho các nhà cung cấp dung lượng lưu trữ bằng token $FIL để lưu trữ và phân phối dữ liệu trên mạng.

Livepeer

Livepeer là một cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc streaming video phi tập trung được xây dựng trên Ethereum từ tháng 05/2018. Dự án được thiết kế để cung cấp một cơ sở hạ tầng phát trực tuyến video mã nguồn mở để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng để cung cấp phương tiện video cho khán giả của họ mà không phải trả phí nền tảng cao hoặc bị hạn chế các tính năng.

Kết luận

DePIN, một lĩnh vực rộng lớn và mang tính cách mạng, đã thay đổi cách con người tương tác với cơ sở hạ tầng vật lý. Sự kết hợp giữa công nghệ blockchain và DePIN trong Nền kinh tế chia sẻ cho phép sự tương tác này diễn ra một cách trong suốt, công bằng và hiệu quả. Lĩnh vực này hứa hẹn sẽ phát triển lâu dài, đồng hành cùng sự tiến bộ của thị trường và hướng tới việc áp dụng vào đời sống thực tế.