I. KINH TẾ VĨ MÔ
1. Khủng hoảng ngân hàng Mỹ
Tuần qua, liên tiếp ba ngân hàng lớn của Mỹ là Silvergate, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB) sụp đổ chỉ cách nhau vài ngày. SVB và SB đã bị các cơ quan quản lý tài chính Mỹ đóng cửa, Silvergate ra thông báo sớm dừng hoạt động mảng ngân hàng và hoàn trả toàn bộ tiền gửi cho khách hàng. Đợt sụp đổ lần này là sự cố tài chính lớn thứ hai trong lịch sử ở Mỹ, sau vụ Ngân hàng Washington Mutual phá sản vào năm 2008.
Dù SVB sụp đổ một cách chóng vánh, tuy nhiên phản ứng từ Chính phủ Mỹ không hề lúng túng, mà lập tức có những hành động rất nhanh nhạy. Bộ Tài chính Mỹ, Fed và FDIC đều chung khẳng định, người gửi tiền tại SVB có quyền tiếp cận tất cả số tiền của họ và người nộp thuế sẽ không phải chịu bất kỳ tổn thất nào liên quan đến việc giải quyết hậu quả của SVB. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lập tức khẳng định tiền gửi của người dân có sẵn khi người dân cần. Đây là các động thái trấn an quan trọng, ngăn chặn tình trạng hoang mang lan rộng, mang tới một khoảng thời gian cần thiết để xử lý vấn đề.
Cục Dự trữ Liên bang FED ra chương trình cho phép các ngân hàng dùng một số chứng khoán chất lượng cao làm tài sản thế chấp và vay từ quỹ khẩn cấp của chính phủ. Bộ Tài chính đã dành ra 25 tỉ USD để bù đắp mọi khoản thiệt hại. Tuy nhiên, các quan chức của Fed cho biết khả năng không phải sử dụng số tiền đó, vì các chứng khoán được đưa làm tài sản thế chấp có rủi ro vỡ nợ rất thấp.
2. Fed có thể sẽ cung cấp 2.000 tỷ USD thanh khoản cho hệ thống ngân hàng Mỹ
BTFP là chương trình cho vay khẩn cấp ra đời sau vụ 3 định chế tài chính gồm SVB, Signature Bank và Silvergate Capital sụp đổ.
Theo nhận định của ngân hàng JPMorgan Chase, chương trình cho vay khẩn cấp này có thể bơm tới 2.000 tỷ USD thanh khoản vào hệ thống ngân hàng Mỹ, giúp hệ thống ngân hàng Mỹ để giảm thiểu tình trạng khan hiếm thanh khoản. Đồng thời sẽ giúp đảo ngược những tác động của chương trình thắt chặt định lượng mà Fed đã thực hiện trong suốt 1 năm gần đây.
Mặc dù hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn có 3.000 tỷ USD dự trữ, phần lớn trong số đó đang được nắm giữ bởi nhóm các ngân hàng lớn nhất. Tình trạng thiếu hụt thanh khoản xuất hiện do nhiều nguyên nhân, không chỉ vì chiến dịch thắt chặt định lượng của Fed mà còn bởi lãi suất tăng khiến dòng tiền chảy ngược từ các tài khoản tiền gửi sang các quỹ thị trường tiền tệ.
Theo đó, vào ngày 17/03, bảng cân đối kế toán của FED vừa tăng thêm 300 tỷ USD. Theo đó, FED đã bắt đầu mua vào trái phiếu và bơm tiền vào thị trường. Đây là lần đầu tiên bảng cân đối kế toán của FED gia tăng kể từ khi bắt đầu tăng lãi suất.
3. Lạm phát của Mỹ tăng 6% trong tháng 2, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021
Hôm thứ Ba (14/3), Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2 đã tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát tháng 2 đã chậm lại so với mức tăng 0,5% so với tháng trước và mức tăng 6,4% hàng năm trong tháng 1. Cả hai dữ liệu đều phù hợp với ước tính của các nhà kinh tế.
Lạm phát tăng 6% đã đánh dấu mức tăng giá tiêu dùng hàng năm chậm nhất kể từ tháng 9/2021. Những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng trong những ngày gần đây đã làm dấy lên suy đoán rằng ngân hàng trung ương có thể phát đi tín hiệu rằng họ sẽ sớm ngừng tăng lãi suất khi các quan chức nhận thấy tác động của một loạt biện pháp thắt chặt trong năm qua.
II. THỊ TRƯỜNG TIỀN ĐIỆN TỬ
1. Bitcoin lập đỉnh mới của năm 2023 ở 27,730 USD
Tối ngày 14/03, Mỹ đã công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho tháng 02/2023, thước đo lạm phát của nền kinh tế số một thế giới. Đúng với dự đoán của giới quan sát kinh tế, lạm phát Mỹ tháng 2 đạt 6%, tiếp tục có tháng thứ 8 liên tiếp giảm.
Bên cạnh đó, việc FED bắt đầu bơm gần 300 tỉ USD để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng đã giúp Bitcoin (BTC) đã nhảy vọt lên 27,730 USD, mức đỉnh mới của năm 2023 và cũng là cao nhất kể từ tháng 06/2022. Chỉ số BTC.D (thị phần BTC so với vốn hóa toàn thị trường crypto) cũng vượt lên trên mốc 47%, cao nhất kể từ giữa năm ngoái, cho thấy đà đi lên hiện tại đến hoàn toàn từ nội lực của Bitcoin, trong khi những altcoin khác thì vẫn chưa thể bắt kịp.
2. Góc nhìn on-chain: Bitcoin ở đâu trong bối cảnh thị trường hỗn loạn?
Giá Bitcoin và Ethereum đã có lúc giảm xuống dưới mức giá $20k do sự sụp đổ của một số ngân hàng Hoa Kỳ có liên quan đến ngành công nghiệp tiền điện tử, bao gồm Silvergate, Silicon Valey Bank và Signature Bank. Sự bất ổn của các ngân hàng này đã có tác động dây chuyền đối với các stablecoin như USDC và DAI, khiến giá trị của chúng rơi khỏi mức peg 1$.
Việc các stablecoin depeg đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu swap đối với các stablecoin này sang các stablecoin an toàn hơn như USDT. Tuy nhiên, sau thông báo về Bank Term Funding Program cho các ngân hàng của FED, chương trình này sẽ cung cấp thêm nguồn vốn cho các ngân hàng, các stablecoin đã phục hồi mức chốt của chúng lên mốc 1 đô la.
Kế hoạch phục hồi do FDIC, FED và Bộ Tài chính công bố đã dẫn đến giá BTC và các altcoin tăng mạnh, đồng thời lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm đang giảm lo những lo ngại về suy thoái kinh tế. BTC đã tiệm cận mức giá thực tế (realized price) trước khi bật tăng lên mức giá 27 nghìn USD. Bất chấp việc một số nhà đầu tư bán tháo BTC tại mức giá $20k, các cá voi BTC vẫn nắm giữ số coin của mình, bên cạnh đó nhu cầu mua BTC tại Hoa Kỳ tăng đột biến khi khủng hoảng ngân hàng xảy ra. Sau đợt tăng giá gần đây, tỷ lệ MVRV của Bitcoin (tỷ lệ giá trị thị trường/giá trị thực) đã vượt lên trên mức trung bình động 365 ngày, được coi là yếu tố thiết yếu trong thị trường giá lên.
3. Nâng cấp Shanghai của Ethereum sẽ chính thức triển khai vào ngày 12/04
Sau khi Shanghai được thử nghiệm thành công trên testnet cuối cùng là Goerli vào ngày 14/03, nhà phát triển Tim Beiko của Ethereum đã xác nhận mốc thời gian triển khai nâng cấp cho phép rút ETH staking sẽ là vào khoảng 5 giờ sáng ngày 12/04/2023 theo giờ Việt Nam.
Trước đó, đội ngũ Ethereum đã quyết định chọn tháng 03/2023 làm thời điểm triển khai hard fork Shanghai. Tuy nhiên mạng lưới cần trải qua đầy đủ các testnet Sepolia, Zhejiang và Goerli. Mỗi thử nghiệm cách nhau 3 tuần. Do đó, Shanghai sẽ tiếp tục bị trì hoãn sang tháng 4.
Sau khi hard fork thành công, bản nâng cấp Shanghai sẽ đánh dấu việc chuyển đổi hoàn toàn từ PoW sang PoS của Ethereum và sẽ cho phép những người đã stake ETH rút ETH của mình về từ Beacon Chain. Theo ước tính, việc nâng cấp sẽ mở khóa hơn 17 triệu ETH đang được stake, tương đương với 14.8% nguồn cung hiện tại của Ethereum.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Mọi thông tin trên trang web này không phải là lời khuyên đầu tư và AZDAG không chịu trách nhiệm hoặc nghĩa vụ pháp lý đối với bất kỳ nội dung nào. Người đọc cần tự nghiên cứu trước khi thực hiện bất kỳ hành động đầu tư nào trong thị trường crypto.
Về AZDAG
AZDAG là quỹ đầu tư của Singapore tiên phong trong lĩnh vực phát triển các dự án blockchain và tài sản mã hoá khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi tập trung vào đầu tư các dự án đã có sản phẩm và niêm yết trên thị trường thứ cấp, ngoài ra AZDAG còn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp với giai đoạn đầu tập trung vào tiền kỹ thuật số và công nghệ Blockchain.
Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập:
Website: https://azdag.com/
Twitter: https://twitter.com/Azdag_Venture