
I. Kinh tế vĩ mô
FED công bố quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm
Ngày 3/5, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cho vay qua đêm thêm 0,25 điểm phần trăm, lên khoảng 5,00-5,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp của FED kể từ tháng 3/2022.

Tuy nhiên, FED đồng thời phát đi tín hiệu rằng họ có thể tạm ngừng các đợt tăng lãi suất tiếp theo, qua đó giúp giới chức Mỹ có thời gian đánh giá hậu quả từ các vụ đổ vỡ ngân hàng gần đây, chờ đợi giải pháp cho bế tắc chính trị về vấn đề trần nợ công của Mỹ và theo dõi quá trình lạm phát.
Tuyên bố chính sách đi kèm quyết định này nhấn mạnh các quan chức sẽ nghiên cứu diễn biến của nền kinh tế, lạm phát và thị trường tài chính trong những tuần và tháng tới để đưa ra những chính sách bổ sung, đồng thời không đảm bảo FED sẽ duy trì mức lãi suất hiện tại trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng Sáu tới.
Lãi suất của FED hiện gần bằng với mức trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ 16 năm trước và ở mức mà phần lớn các quan chức Fed dự đoán hồi tháng 3/2023 là đủ hạn chế để đưa lạm phát trở về mức mục tiêu.

FED nhận định tăng trưởng kinh tế của Mỹ hiện vẫn ở mức khiêm tốn, nhưng những diễn biến gần đây có thể khiến các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, gây áp lực lên hoạt động kinh tế, tuyển dụng lao động và lạm phát.
2. Lạm phát Mỹ vẫn ở mức cao
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ ngày 10/5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức thấp nhất trong 2 năm qua và giảm đáng kể so với mức tăng 9,1% vào tháng 6/2022, chủ yếu nhờ giá xăng giảm. Sự sụt giảm giá tiêu dùng này lý giải nguyên nhân vì sao người dân Mỹ không còn quá ám ảnh về lạm phát, dù vẫn quan tâm hơn tới vấn đề này so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, lạm phát vẫn là một vấn đề lớn tại Mỹ. Lạm phát lõi – không tính giá thực phẩm, năng lượng, và là chỉ số mang tính dự báo tốt hơn về xu hướng giá cơ bản – ở mức 5,5% trong tháng 4, giảm từ 5,6% của tháng 3. Tính theo tháng, CPI lõi của Mỹ tăng 0,4% và tăng 5% nếu tính theo năm – tương tương với mức tăng trong 4 tháng qua.
Ban đầu, lạm phát tại Mỹ tăng vì hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là đại dịch và sự gián đoạn tới nguồn cung hàng hóa, dịch vụ và lao động do chiến tranh ở Ukraine. Thứ hai là các gói kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ và mức lãi suất gần 0% khiến nhu cầu tiêu dùng trong nền kinh tế tăng lên.
Các yếu tố này giờ đây gần như đều đã giảm bớt. Chuỗi cung ứng đang trở về trạng thái bình thường. Còn nguồn cung lao động cũng hầu như đã được phục hồi, với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đã trở lại xu hướng trước đại dịch. Trong khi đó, giá xăng tại Mỹ đã trở lại mức trước khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine. Về nhu cầu, các gói kích thích tài khóa đều đã chấm dứt và kể từ tháng 3/2022, FED đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp, từ mức gần 0% lên 5-5,25%.
II. Thị trường tiền điện tử
Sell in May and go away
Theo số liệu của Coinglass, Bitcoin đã giảm khoảng 4,5% trong quý II/2023, sau khi chứng kiến đợt phục hồi mạnh mẽ vào quý I/2023 (tăng vọt 72%).
Cụ thể, BTC đóng nến đỏ -6,98%, kết thúc chuỗi 4 tháng xanh liên tục. Tính từ đầu năm nay, BTC đã tăng trưởng 64,9% (đã có lúc là 87,4% khi BTC đạt 31.000 USD).

Trước sự sụt giảm đáng kể của Bitcoin trong tháng 5 và quý II/2023, nhiều người cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này xuất phát từ việc các nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất trong thời gian dài hơn để đối phó với lạm phát dai dẳng. Điều này làm cho dòng tiền vào lớp tài sản như tiền điện tử vẫn sẽ bị bóp chặt trong thời gian tới.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư dự đoán lãi suất của FED sẽ giảm xuống 4,5% hoặc thấp hơn vào cuối năm 2023 từ mức 5% hiện tại. Tuy nhiên, với bối cảnh thị trường như hiện tại, việc FED sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất trong năm nay là điều khá khó khăn.
Do đó, cộng đồng đang theo dõi sát sao các quyết định chính sách tiền tệ của FED, vì chúng có thể ảnh hưởng đáng kể đến hướng đi của Bitcoin và các loại tiền điện tử khác. Đồng thời, gây ra sự biến động và không chắc chắn, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào tài sản kỹ thuật số.
Hong Kong bắt đầu chính sách sách mở cửa với các công ty tiền điện tử
Vào tháng 2/2023, chính quyền Hong Kong cho biết sẽ để nhà đầu tư chuyên nghiệp tại đặc khu kinh tế này tiếp cận trở lại với hoạt động đầu tư tiền mã hó, mặc dù khung pháp lý mới được cho là khá nghiêm ngặt. Mới đây vào ngày 31/05, Ủy ban Chứng khoán Hong Kong (SFC) đã công bố thông tư về quy trình cấp phép cho các nền tảng giao dịch tài sản ảo (VATP), sẽ đi vào hiệu lực vào ngày 01/06.
Các nền tảng giao dịch hiện đã có thể gửi hồ sơ đăng ký lên SFC để xin cấp phép. Trong khoảng thời gian chờ phê duyệt hồ sơ, những sàn đã hoạt động trước ngày 01/06 vẫn có thể cung cấp dịch vụ cho người sử dụng từ 01/06/2023 đến 31/05/2024. Điều kiện cấp phép bao gồm:
- Sàn được thành lập tại Hong Kong và có văn phòng hoạt động tại nơi đây;
- Sàn có bộ máy quản lý phải là người Hong Kong và thường trú tại Hong Kong;
- Sàn đang cung cấp dịch vụ cho người Hong Kong và có volume giao dịch thật;
- Sàn có những yếu tố giúp duy trì hoạt động trước ngày 01/06/2023;
Các sàn giao dịch tiền điện tử đang ở trong cuộc đua nước rút để có thể nhanh chóng nhập cuộc vào thị trường này. CoinEx và Huobi đang là 2 cái tên nổi bật trong cuộc đua giành giật vào thị trường Hong Kong. Các sàn giao dịch khác như Gate.io và BitMEX cũng đã công bố các ứng dụng của họ và các dịch vụ giao dịch tiền điện tử dành riêng cho Hong Kong.
Cơn sốt trên hệ sinh thái Bitcoin
Phân khúc Bitcoin Ordinals và token BRC-20 tiếp tục chứng tỏ sức hút của mình, khi số lượng Inscription ngày càng gia tăng, góp phần đẩy phí giao dịch BTC tăng mạnh.
Theo dữ liệu tổng hợp từ Dune Analytics, tổng số Inscription được khắc trên mạng lưới Bitcoin đã vượt mốc 10 triệu lượt. Cùng với đó là hơn 44 triệu USD tiền phí đã được chi trả để khắc những Inscription này.

Ngoài ra, hiện có hơn 250.000 Inscription được khắc hàng ngày, giảm nhẹ so với mức đỉnh 400.000 Inscription ghi nhận vào ngày 07/05.
Tuy nhiên, hơn 80% trong số Inscription này là các token BRC-20 và cũng hầu hết là memecoin. Điều này cho thấy thực trạng người dùng, cộng đồng vẫn chỉ xem Ordinals như một mảnh đất “memecoin trên Bitcoin”, chứ chưa thực sự tin tưởng vào tiềm năng phát triển đường dài của BRC-20.
Bitcoin Ordinals cũng làm phí giao dịch BTC tăng cao, cũng như làm kích thước block trở nên nặng hơn khiến mạng lưới Bitcoin ngày càng cồng kềnh. Đây cũng là lý do chính mà các nhà chỉ trích thường nhắc đến để kêu gọi kiểm duyệt giao dịch. Mạng lưới bận rộn hơn đồng nghĩa với việc thợ đào sẽ kiếm được nhiều tiền hơn từ phí giao dịch.

Theo dữ liệu từ The Block, doanh thu từ phí gas trong tháng 5 chiếm 13,7% trong tổng doanh thu của thợ đào. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 4/2021 và đã tăng bật so với con số 2,9% của tháng 4.
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Mọi thông tin trên trang web này không phải là lời khuyên đầu tư và AZDAG không chịu trách nhiệm hoặc nghĩa vụ pháp lý đối với bất kỳ nội dung nào. Người đọc cần tự nghiên cứu trước khi thực hiện bất kỳ hành động đầu tư nào trong thị trường crypto.
Về AZDAG
AZDAG là quỹ đầu tư của Singapore tiên phong trong lĩnh vực phát triển các dự án blockchain và tài sản mã hoá khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi tập trung vào đầu tư các dự án đã có sản phẩm và niêm yết trên thị trường thứ cấp, ngoài ra AZDAG còn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp với giai đoạn đầu tập trung vào tiền kỹ thuật số và công nghệ Blockchain.
Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập:
Website: https://azdag.com/
Twitter: https://twitter.com/Azdag_Venture