
Lạm phát tại Mỹ giảm nhẹ trong tháng 4, mang lại ít nhất một chút nhẹ nhõm cho người tiêu dùng, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức cao và chưa cho thấy việc cắt giảm lãi suất sẽ sớm xảy ra.
Lạm phát giảm tốc
Theo báo cáo hôm thứ Tư tuần trước (15/05) của cơ quan thống kê, Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung tháng 4 tăng 0,3% so với tháng 3. Con số này thấp hơn một chút so với ước tính của Dow Jones là 0,4%. Trên cơ sở 12 tháng, CPI tăng 3,4% (giảm từ mức tăng 3,5% trong tháng 3), phù hợp với kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế. Không bao gồm biến động giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số lạm phát lõi tăng ở mức 0,3% hàng tháng và 3,6% hàng năm, cả hai đều đúng như dự báo. Lạm phát cơ bản tăng 3,6% cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021.

Giá cả tăng trong tháng 4 chủ yếu là do giá nhà ở và năng lượng tăng. Chi phí nhà ở – vốn là vấn đề khiến các quan chức Fed đặc biệt lo ngại, đã tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 5,5% so với một năm trước. Cả hai đều ở mức cao khó chịu đối với Fed khi cơ quan này đang cố gắng kéo lạm phát tổng thể xuống mức 2%. Trong khi đó, giá năng lượng tăng 1,1% so với tháng 3 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Còn giá thực phẩm không đổi so với tháng 3 và tăng 2,2% so với tháng 4/2023.
Lạm phát hạ nhiệt trong tháng 4 có thể mang lại cú hích cho Fed và cho phép các quan chức của cơ quan này giữ vững quan điểm lãi suất một cách thoải mái hơn trong cuộc họp vào tháng tới. Các quan chức Fed gần đây phát đi tín hiệu rằng tình trạng lạm phát dai dẳng có thể sẽ khiến ngân hàng trung ương tiếp tục trì hoãn cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Thị trường phản ứng tích cực sau khi báo cáo CPI được công bố, khi hợp đồng tương lai gắn với các chỉ số chứng khoán lớn tăng và lãi suất trái phiếu kho bạc giảm. Một số nhà kinh tế dự đoán Fed sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào tháng 7, trong khi các nhà giao dịch hợp đồng tương lai cho rằng đợt hạ lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 9.
Dự báo lạm phát và lộ trình lãi suất của FED
Theo các chuyên gia kinh tế, kết hợp dữ liệu lạm phát tiêu dùng CPI và lạm phát sản xuất PPI công bố 2 ngày qua có cơ sở để chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của FED có thể sẽ hạ nhiệt, tăng khoảng 0,2% theo tháng.
Trong 3 – 6 tháng tới, xu hướng lạm phát Mỹ giảm sẽ tiếp tục trong bối cảnh các điều kiện thị trường lao động bớt thắt chặt. Chỉ số PCE có thể duy trì ở mức từ 2,5% – 3% hoặc có khả năng thấp hơn từ quý thứ ba.

Về dự báo lãi suất của FED, tình trạng lạm phát thấp hơn và chi tiêu tiêu dùng giảm sẽ là những cơ sở quan trọng cho FED. Tuy nhiên, với tình hình lạm phát bật tăng trong quý I, dữ liệu hiện tại có thể chưa đủ để FED hạ lãi suất từ tháng 6 hoặc tháng 7.
“Ngoại trừ bất kỳ cú sốc kinh tế bất ngờ nào, thời điểm sớm nhất chúng ta có thể dự đoán việc cắt giảm lãi suất sẽ là tháng 9, sau khi công bố thêm dữ liệu quý II và quý III. Song tháng 9 hạ vẫn là 50 – 50”, các chuyên gia kinh tế nhận định.
Lạm phát tại EU dự báo tiếp tục giảm
Còn ở bên kia bờ Đại Tây Dương, lạm phát châu Âu cũng đã giảm nhanh hơn dự kiến và về sát gần mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra. Ủy ban châu Âu dự đoán lạm phát trong năm nay sẽ ở mức 2,7% và tiếp tục xuống mức 2,5% trong năm sau. Lạm phát thấp cộng với tốc độ tăng lương thực tế sẽ kích thích tiêu dùng từ nửa cuối năm.
Song Ủy ban châu Âu vẫn cảnh giác với những rủi ro kinh tế, bao gồm việc loại bỏ dần chương trình trợ giá năng lượng, xung đột địa chính trị kéo dài và khả năng leo thang xung đột ở Trung Đông ảnh hưởng đến các tuyến thương mại Biển Đỏ.
Cơ quan này hạ dự báo tăng trưởng, từ 1,3% xuống còn 0,9% tính trung bình cả 27 nước và từ 1,2% xuống còn 0,8% đối với các nước sử dụng đồng tiền chung Euro.
Hiện thị trường tin rằng ECB sẽ thực hiện ba lần cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất chuẩn xuống khoảng 3,25% vào cuối năm. Đợt đầu cắt giảm từ tháng 6 tới.