/ BLOG

Bitcoin đã thay đổi lĩnh vực tài chính như thế nào?

Các giai đoạn phát triển của Bitcoin Giai đoạn 1: Sự ra đời của Bitcoin sau khủng hoảng tài chính 2008 Năm 2008, khi thế giới tài chính chao đảo vì cuộc

arrow white

Back

Sep 12, 2024

Written by

Logo

Thuynguyen

facebook instagram instagram

Các giai đoạn phát triển của Bitcoin

Giai đoạn 1: Sự ra đời của Bitcoin sau khủng hoảng tài chính 2008

Năm 2008, khi thế giới tài chính chao đảo vì cuộc khủng hoảng do sự sụp đổ của Lehman Brothers, ý tưởng về một loại tiền tệ điện tử phân quyền bắt đầu nhen nhóm.

Tháng 11/2008, Satoshi Nakamoto công bố ý tưởng về Bitcoin qua một email gửi cộng đồng mật mã học, với mong muốn tạo ra một hệ thống tài chính phi tập trung, không cần tin tưởng vào ngân hàng hay tổ chức tài chính truyền thống. Đến ngày 03/01/2009, block Bitcoin đầu tiên chính thức ra đời, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử tài chính toàn cầu.

Giai đoạn 2: Những bước đi đầu tiên và giá trị sơ khai

Năm 2010, Bitcoin lần đầu tiên được sử dụng trong một giao dịch thương mại, khi một lập trình viên đã dùng 10,000 BTC để mua hai chiếc pizza.

Tại thời điểm đó, giá trị của Bitcoin vẫn còn rất thấp, với mức giá chỉ khoảng 1 USD cho mỗi BTC. Tuy nhiên, sự kiện này đã khẳng định tiềm năng của Bitcoin trong việc trở thành một phương tiện giao dịch thay thế cho tiền pháp định.

Giai đoạn 3: Tăng trưởng và sự chấp nhận

Giai đoạn từ 2011 đến 2017 chứng kiến sự bùng nổ của Bitcoin khi nó ngày càng được chú ý hơn. Đầu tiên là việc xuất hiện các đồng tiền mã hóa khác như Litecoin, Ethereum, tạo nên một thị trường tiền điện tử đa dạng.

Năm 2013, Bitcoin lần đầu tiên đạt mốc giá trị 1,000 USD, và đến cuối năm 2017, giá Bitcoin lên tới 20,000 USD, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới đầu tư và công chúng toàn cầu.

Giai đoạn 4: Sự biến động và tranh cãi

Dù đạt đến những cột mốc giá trị ấn tượng, Bitcoin cũng đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là sự biến động mạnh mẽ trong giá trị. Giai đoạn từ 2017 đến 2020 chứng kiến nhiều đợt tăng giảm giá Bitcoin, gây ra nhiều tranh cãi về tính ổn định và an toàn của đồng tiền này.

Các quốc gia cũng có những quan điểm khác nhau về việc quản lý và chấp nhận tiền điện tử, dẫn đến sự phân hoá trong chính sách toàn cầu.

Giai đoạn 5: Bitcoin ngày nay và tương lai

Kể từ năm 2020, Bitcoin dần trở thành tài sản đầu tư quan trọng khi nhiều tổ chức tài chính lớn bắt đầu tham gia thị trường. Giá trị của Bitcoin đã vượt qua 60,000 USD vào năm 2021, củng cố vị thế của nó như một dạng “vàng kỹ thuật số”.

Tại Việt Nam, tỷ lệ người sở hữu Bitcoin ngày càng tăng, cho thấy tiềm năng chấp nhận rộng rãi hơn trong tương lai. Tuy nhiên, tương lai của Bitcoin vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là việc liệu nó có thể thay thế tiền pháp định trong giao dịch hàng ngày hay không.

Công nghệ đằng sau Bitcoin

Blockchain là nền tảng công nghệ quan trọng đứng sau Bitcoin, giúp định hình và bảo vệ hệ thống tiền mã hóa này. Blockchain là một sổ cái phân tán, phi tập trung, được sử dụng để ghi lại và xác minh các giao dịch mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba như ngân hàng hay tổ chức tài chính. Điểm đặc biệt của blockchain là tính minh bạch và bất biến: mọi giao dịch sau khi được ghi nhận sẽ không thể thay đổi, tạo niềm tin cho người sử dụng.

Cấu trúc của blockchain bao gồm nhiều khối (block), mỗi khối chứa dữ liệu giao dịch và được liên kết với khối trước đó, tạo thành một chuỗi không thể thay đổi. Điều này có nghĩa là để thay đổi bất kỳ thông tin nào trong một khối, cần phải thay đổi toàn bộ chuỗi, điều gần như không thể do yêu cầu tính toán rất lớn. Việc này giúp đảm bảo tính bảo mật và chống gian lận của hệ thống.

Với việc áp dụng blockchain, Bitcoin đã trở thành một hệ thống tài chính phi tập trung, cho phép người dùng giao dịch trực tiếp với nhau mà không cần sự can thiệp của bên trung gian. Blockchain không chỉ là nền tảng cho Bitcoin, mà còn mở ra tiềm năng phát triển nhiều ứng dụng khác trong các lĩnh vực như tài chính, chuỗi cung ứng, và quản lý dữ liệu, hứa hẹn thay đổi cách chúng ta quản lý và lưu trữ thông tin trong tương lai.

Bitcoin đã thay đổi nền tài chính như thế nào?

Crypto đã và đang thay đổi cách chúng ta tiếp cận với tài chính và công nghệ, không chỉ dừng lại ở vai trò là công cụ đầu tư. Dưới đây là một số ứng dụng thực tiễn của crypto trong nhiều lĩnh vực khác nhau:

Số hóa tài sản (Tokenization): Là quá trình chuyển đổi quyền sở hữu tài sản trong thế giới thực thành các token kỹ thuật số trên blockchain. Điều này cho phép phân chia tài sản như bất động sản, tác phẩm nghệ thuật, và hàng hóa thành các phần nhỏ hơn, giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ dàng tham gia. Tokenization tăng tính thanh khoản, giảm chi phí giao dịch, và đảm bảo tính minh bạch, mở ra cơ hội tiếp cận các loại tài sản truyền thống trên quy mô toàn cầu.

Chuyển tiền quốc tế: Crypto đang dần trở thành lựa chọn phổ biến cho việc chuyển tiền quốc tế. Với các hệ thống truyền thống, chuyển tiền xuyên biên giới có thể mất vài ngày và phải chịu phí giao dịch cao. Trong khi đó, các loại crypto như Bitcoin hoặc Ripple (XRP) cho phép chuyển tiền nhanh chóng, với phí thấp và không bị giới hạn bởi biên giới quốc gia. Điều này đặc biệt hữu ích cho những người làm việc xa quê hương hoặc các doanh nghiệp hoạt động quốc tế.

Tài chính phi tập trung (DeFi): DeFi là một trong những ứng dụng quan trọng nhất của crypto. Nó cho phép người dùng truy cập vào các dịch vụ tài chính như vay, cho vay, giao dịch, và tiết kiệm mà không cần thông qua các trung gian tài chính truyền thống như ngân hàng. Các nền tảng DeFi hoạt động dựa trên các hợp đồng thông minh (smart contracts), giúp giảm thiểu rủi ro gian lận và tăng cường tính minh bạch. Ví dụ, người dùng có thể cho vay crypto của mình trên các nền tảng như Aave hoặc Compound và nhận lại lãi suất, hoặc tham gia vào các pool thanh khoản trên Uniswap để kiếm lợi nhuận từ phí giao dịch.

Khả năng chống lạm phát: Trong khi các loại tiền tệ truyền thống có thể bị mất giá do lạm phát, Bitcoin có nguồn cung giới hạn (chỉ 21 triệu BTC) và không thể bị tạo ra vô hạn, giúp nó trở thành một tài sản lưu trữ giá trị tiềm năng trong dài hạn.

Hoạt động crypto trên toàn cầu

Ấn Độ tiếp tục dẫn đầu xếp hạng “Chỉ số Tiếp nhận Tiền mã hóa Toàn cầu 2024″ trong năm thứ 2 liên tiếp, dù có chính sách hà khắc và thuế giao dịch cao. Ấn Độ còn thống lĩnh việc sử dụng sàn giao dịch tập trung và tài sản tài chính phi tập trung từ tháng 6/2023 đến tháng 7/2024.

Bảo toàn được vị trí thứ hai là Nigeria, quốc gia châu Phi này cũng từng dẫn đầu về mức độ phổ biến crypto theo một báo cáo của Consensys.

Indonesia nhảy bốn bậc lên vị trí thứ 3, và là một trong những thị trường tiền mã hóa phát triển nhanh nhất hiện tại. Giao dịch crypto vẫn diễn ra mạnh mẽ ở quốc gia này, vốn đã cấm sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán, song vẫn cho phép đầu tư vào tài sản này.

Hoa Kỳ duy trì vị trí thứ 4 từ năm 2023, trong khi Việt Nam lại rơi mạnh từ top 3 xuống thứ 5.

Năm ngoái, Việt Nam bất ngờ đánh mất vị trí top 1 và tụt mất hai bậc trên bảng xếp hạng, về sau Ấn Độ và Nigeria. Năm nay, Việt Nam tiếp tục rớt thêm hai hạng về vị trí thứ 5, sau hai đối thủ mới là Indonesia và Hoa Kỳ.

Dù vậy, nhà đầu tư Việt Nam vẫn lãi gần 1,2 tỷ USD từ crypto, có mặt trong top 3 quốc gia có lợi nhuận lớn nhất thế giới trong năm qua. Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện khung pháp lý crypto trước tháng 05/2025, và Bộ Tư pháp cũng từng khẳng định “không cấm tiền số, tài sản ảo”.